Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Bài học Thủ Thiêm



Đã hơn 20 năm trôi qua, kể từ khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM năm 1996. Nhiều cư dân khu đô thị này từ tóc xanh, nay đã chuyển sang bạc màu, vẫn tiếp tục bức xúc vì các khiếu kiện của họ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Không ít người đầu đã bạc lại bật khóc nức nở trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khi trình bày những bất cập đến nao lòng trong việc quy hoạch, giải tỏa, đền bù dự án, chiều ngày 9/5/2018.





Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 930ha, trong đó có 160ha khu tái định cư giáp ranh phía đông khu quy hoạch. Mục tiêu của quy hoạch khi đó được nhấn mạnh là một khu đô thị mới kế tục, phát triển hài hòa với trung tâm hiện hữu. Trên hết, chính quyền thành phố phải đảm bảo đời sống ổn định của nhân dân trong khu vực, họ phải được hưởng các lợi ích có được từ sự phát triển đô thị mới.

Nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh khi đó nhớ lại: “Trong buổi trình bày quy hoạch Thủ Thiêm với Chính phủ, tôi nói rõ: quy hoạch phải đảm bảo tái định cư cho người dân trên nguyên tắc bằng hoặc hơn nơi ở cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm cả sinh kế lẫn đời sống tâm linh. Làm được như vậy, người dân Thủ Thiêm sẽ được sống ổn định, được chứng kiến khu đô thị mới làm đổi thay quê hương mình. Như vậy, hồn của mảnh đất Thủ Thiêm sẽ được giữ lại với đất, với người”.

Thực tế trên mảnh đất Thủ Thiêm hơn 20 năm qua đã không diễn ra như mong ước của cựu Chủ tịch Võ Viết Thanh cũng như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt quy hoạch này. Hàng loạt các động tác điều chỉnh theo xu hướng “băm nát quy hoạch” được phê duyệt của Chính phủ đã được chính quyền địa phương thực hiện.

Đáng nói là việc “băm nát quy hoạch” của chính quyền địa phương lại không nhằm mục tiêu ổn định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và quyền ưu tiên được hưởng các thành quả do sự phát triển đô thị dành cho chính người dân trong khu vực. Ngược lại, “ma trận” thông tin về điều chỉnh quy hoạch và sự hạn chế tiếp cận các tài liệu hồ sơ chính thức của việc quy hoạch, giải tỏa đền bù đã biến hàng ngàn hộ gia đình chịu ảnh hưởng trong khu vực thành nạn nhân của hàng loạt các vấn nạn tiêu cực, bế tắc.

Các tài liệu lưu trữ cho thấy, có hiện tượng quy hoạch bị “băm nát” chỉ vì nhằm đảm bảo cho hàng loạt dự án của các công ty tư nhân được tồn tại ngang nhiên. Mặc dù những dự án này thuộc loại  “ăn theo”, xuất hiện sau khi có phê duyệt quy hoạch của Chính phủ. Trong khi hàng ngàn hộ gia đình cư dân địa phương cư trú lâu đời, có nhiều gia đình là cơ sở cách mạng từ trước 1975, buộc phải giải tỏa, di dời, hoang mang, vô định với số tiền đền bù “nhỏ giọt”, không đủ để họ tái lập cuộc sống như cũ.

Một câu hỏi mà hầu như người dân Thủ Thiêm nào cũng bức xúc là vì sao chính quyền địa phương thu hồi đất đai nhà cửa của họ với giá rẻ bèo, đền bù chỉ vài chục ngàn đồng một mét vuông đất rồi giao cho công ty tư nhân kinh doanh với giá bán hiện lên đến hàng trăm triệu đồng một mét vuông? Chẳng hạn như công ty Đại Quang Minh được chính quyền TP.HCM giao 400.000m2 đất không thu tiền sử dụng đất để đổi lại việc công ty này xây dựng 4 tuyến đường trong khu quy hoạch Thủ Thiêm. Trong khi 4 tuyến đường này chưa làm xong thì Đại Quang Minh đã đầu tư trên quỹ đất được giao, xây dựng nên Khu đô thị Sala cao cấp, với giá bán cho mỗi mét vuông đất theo giá thị trường vài trăm triệu đồng.

Có thể nói, việc triển khai điều chỉnh, thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm của chính quyền địa phương ngày càng xa rời mục tiêu ban đầu khi thành phố thuyết trình với Chính phủ xin phê duyệt quy hoạch hơn 20 năm trước. Đáng lo ngại trong quá trình điều chỉnh “băm nát quy hoạch” Thủ Thiêm đã xuất hiện một số văn bản, hành vi địa phương tự ý điều chỉnh văn bản pháp quy của Chính phủ.

Chẳng hạn như việc địa phương tự ý thay đổi quy hoạch khu tái định cư 160ha (theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ), đã  dẫn đến sự thay đổi và xê dịch về ranh giới của khu đô thị mới, phát sinh các tiểu dự án mới ở các khu tái định cư địa bàn khác phải bồi thường giải phóng mặt bằng.  Việc tự ý thay đổi vị trí khu tái định cư của địa phương không chỉ là hành vi làm trái với chủ trương của Chính phủ mà còn coi thường việc thực hiện nguyên tắc đảm bảo sự ổn định, ưu tiên cho cư dân trong vùng  quy hoạch được hưởng các lợi ích từ đô thị mới.

Bị ảnh hưởng bởi “ma trận” điều chỉnh quy hoạch và thủ thuật áp giá khó hiểu, thu hồi đất vội vàng theo kiểu “bàn tay sắt” từ chính quyền địa phương, hàng ngàn người dân liên tục bức xúc, khiếu nại, kêu cứu đòi được giải thích thì các cơ quan chức năng hoàn toàn im lặng.  Hơn 10 năm trước (2007), báo Đại Đoàn Kết từng có loạt bài phản ảnh các bất cập trong việc “băm nát quy hoạch” Thủ Thiêm, bất cập trong chính sách thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất cho tư nhân kinh doanh,  gây nhiều bức xúc cho hàng chục ngàn dân trong khu vực. Loạt bài đã cảnh báo những bất cập của chính quyền địa phương làm ảnh hưởng xấu tới chính sách an dân, an sinh xã hội, tác động tới hàng chục ngàn người dân không phải là chuyện nhỏ.

Cụ thế, báo Đại Đoàn Kết số 140 ra ngày 23/10/2007,  trang 13 có bài: “Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP.HCM: Chính quyền né tránh đối thoại với dân!”. Bài báo nhấn mạnh: “Trong khi người dân Thủ Thiêm đang bức xúc, kịch liệt phản đối, mong muốn chính quyền trả lời cho dân biết: Tại sao tiền đền bù cho dân với giá rẻ mạt như vậy? 160ha đất tái định cư mà Chính phủ đã phê duyệt cho dân hiện nay đang ở đâu? Tại sao dân bị giải tỏa không được định cư trên khu đất được Chính phủ phê duyệt? Số phận của hàng ngàn gia đình cư dân phải giải tỏa di dời rồi sẽ ra sao?”.... Thì chính quyền TP.HCM vẫn im lặng và lạnh lùng đưa ra thông báo thúc giục các chính quyền cơ sở: “Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đến đầu năm 2008 phải có đất giao cho nhà đầu tư”.

Hơn 20 năm chính quyền địa phương vẫn tiếp tục loay hoay với câu hỏi “quy hoạch để làm gì, quy hoạch cho ai?”. Mặc dù ngay từ khi phê duyệt quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh mục tiêu ổn định, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân, đặc biệt là cư dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

“Quy hoạch, phát triển đô thị trước hết phải vì cuộc sống của dân. Không thể có chủ trương quy hoạch mà người dân bỗng chốc trở thành tay trắng, bần cùng và không có lối thoát”, nguyên Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh bức xúc. Minh bạch thông tin, ngăn chận lợi ích nhóm chi phối chính sách và nhanh chóng hoàn chỉnh pháp luật để người dân an tâm, đảm bảo cho họ được quyền thụ hưởng các thành quả trên mảnh đất của mình là điều mà các nhà chức trách hiện nay đang cần phải hướng tới.


Hữu Nguyên

(Bài viết cho mục Góc Nhìn báo Đại Đoàn Kết ngày 11-5-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét